Từ mô hình siêu thị đến thương mại điện tử, ngành bán lẻ Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị thương vụ lên đến hàng trăm triệu USD.
Đầu tháng 9, thị trường bán lẻ Việt Nam xôn xao bởi thông tin VinCommerce - đơn vị chủ quản các chuỗi VinMart, VinMart+… nhận 500 triệu USD từ quỹ đầu tư GIC của chính phủ Singapore.
Trước đó, hồi cuối năm 2018, sàn thương mại điện tử Sendo cũng nhận được 51 triệu USD từ Tập đoàn SBI Holdings (Nhật Bản) và một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư châu Á khác. Khoản đầu tư này được Nikkei đánh giá là một trong những vòng huy động vốn lớn nhất đối với một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam.
Tiki - một trang thương mại điện tử khác cũng nhận được hỗ trợ tài chính qua nhiều vòng gọi vốn. Đến nay, doanh nghiệp này đã và đang được các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ rót vốn, tiêu biểu là JD.com, EDBI, STIC, KIP, CyberAgent Ventures, Sumitomo…
89 triệu USD rót vào thương mại điện tử nửa đầu năm 2019
Trao đổi với Zing.vn, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đối tác điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital, nhận định bán lẻ là một trong những lựa chọn đầu tư hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp vào ngành bán lẻ trong 8 tháng đầu năm nay đạt 5.550,524 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chiếm gần 25% tổng vốn đăng ký.
Theo đó, bán lẻ xếp thứ 3 trong các ngành nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, sau công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động kinh doanh bất động sản.
Nguồn: ESP Capital.
Trong khi đó, báo cáo về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2019 của ESP Capital cũng cho thấy bán lẻ đứng đầu trong các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nửa đầu năm 2019, tổng vốn ngoại rót vào thương mại điện tử đạt 89 triệu USD, gấp gần 1,8 lần mảng công nghệ thanh toán xếp thứ 2. Con số này cũng tương đương gần 90% giá trị vốn đầu tư kêu gọi thành công của ngành trong năm 2018.
Tính chung từ năm 2013, các doanh nghiệp công nghệ về bán lẻ đã nhận được 241 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài và là điểm thu hút vốn đầu tư ngoại hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Dư địa lớn
Theo một số chuyên gia, lý do bán lẻ nhận được sự quan tâm lớn là tốc độ phát triển vượt bậc và dư địa thị trường còn rất lớn.
“GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam là 2.600 USD. Đây là con số không quá cao nhưng xét về cấu trúc dân số và tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm (cao nhất nhì Đông Nam Á) thì GDP bình quân đầu người sẽ sớm vượt ngưỡng 10.000 USD. Đồng thời, thu nhập trung bình của Việt Nam cũng dần tăng lên, giới trung lưu ngày càng nhiều, thúc đẩy nhu cầu mua sắm hàng hóa”, bà Uyên Vy nhận định.
Không những vậy, bà còn nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ thông qua tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 chữ số.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm nay đạt 2.444,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo một số chuyên gia, lý do bán lẻ nhận được sự quan tâm lớn là tốc độ phát triển vượt bậc và dư địa thị trường còn rất lớn.
Trong đó, tiềm năng bán lẻ hiện đại và mô hình chuỗi còn rất lớn. Bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc tư vấn bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết các số liệu của Nielsen đều cho thấy tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại đang vượt trội so với kênh truyền thống ở tất cả nhóm hàng.
“Ngành FMCG Việt Nam liên tục tăng trưởng dương trong 8 quý gần nhất, lập đỉnh mới ở mức 8,7% vào quý II/2019, thuộc hàng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chứng tỏ sức mua của người Việt rất lớn”, bà nói.
Xét riêng về mảng bán lẻ trực tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 3% tổng lượng bán lẻ trên cả nước.
“Do đó, hầu hết quỹ hiện nay đều chú trọng đầu tư bán lẻ offline vì thị trường kinh doanh trực tuyến còn quá nhỏ. Giá trị các thương vụ đầu tư vào thương mại điện tử còn rất thấp, các khoản đầu tư này thường chỉ dùng để tận dụng bán hàng đa kênh (omnichannel)”, bà Uyên Vy cho biết.
Tuy nhiên, xu hướng trong tương lai, theo bà, là các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tìm đến thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ tăng trưởng 43%/năm, đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường lớn thứ 2 Đông Nam Á, sau thị trường đông dân Indonesia với con số dự kiến 53 tỷ USD.
Mặc dù vậy, đi cùng với lợi thế tài chính sau khi được đầu tư, các doanh nghiệp được rót vốn cũng đương đầu với một số thách thức.
Đối với bà Uyên Vy, thách thức lớn nhất là áp lực tăng trưởng. “Đã được đầu tư thì tốc độ tăng trưởng của các công ty này phải vượt trội. Tại các công ty công nghệ, con số được mong đợi là 200-300%/năm”, bà khẳng định.
Để trụ vững và phát triển trong một thị trường khốc liệt như vậy, bà Thùy Trang cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng vào trải nghiệm khách hàng và biến đó thành lợi thế cạnh tranh bằng cách đặt khách hàng làm trung tâm, đo lường trải nghiệm và đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
CopyRight 2011~2012 © All Rights Reserved