Tin tức triển lãm

2020-03-17

Mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại điện tử

Mua hàng trực tuyến lên ngôi thời dịch COVID-19. Ảnh: hải nguyễn

Do ảnh hưởng bùng phát của dịch COVID-19, doanh số bán hàng online tăng mạnh. Dịp này, các nhãn hàng cũng tung ra hàng loạt ưu đãi mua sắm tới khách hàng qua dịch vụ bán hàng online. Theo nhiều ý kiến, đây cơ hội để thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng vượt bậc khi thói quen mua sắm của khách hàng đã thay đổi.

 

Ở nhà bốc điện thoại mua sắm

Hơn một tháng nay, gia đình nhà chị Nguyễn Thị Lương (chung cư Gemek, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chưa một ngày ra chợ. Mọi hoạt động mua sắm, ăn uống của gia đình chủ yếu ở tầng thương mại trong chung cư. Chị Lương cho biết, do dịch COVID-19 ngày càng phức tạp nên ngoài công việc, các thành viên ở trong gia đình cũng hạn chế ra ngoài.

“Tòa nhà tôi có một nhóm trên mạng Facebook gọi là “chợ cư dân”. Ở đây các thành viên buôn bán, giao dịch đầy đủ mọi thứ từ thức ăn, đồ uống và các vật dụng… Trước đây, mọi hoạt động trên nhóm này rất èo uột, cũng không mấy ai để ý. Nhưng từ ngày có dịch, số người trao đổi, mua bán qua đây rất rầm rộ. Chỉ cần lên chợ cư dân này nhắn số phòng và đặt món đồ cần mua là có người đưa hàng đến tận nơi. Bất kể thức ăn, đồ uống hay món hàng gì”, chị Lương tâm sự.

Ngày 15.3, dạo quanh một số Trung tâm thương mại của Vinmart, chuỗi Siêu Thị Tmart hay như Siêu thị BigC… lượng khách hàng tại đây giảm đáng kể. Tại Siêu thị BigC, ở khu vực để xe những ngày thường trước khi chưa có dịch chật kín chỗ thì nay thưa thớt. Bãi đỗ xe ôtô khu vực sau chỉ lác đác vài chiếc. Tầng 1 trung tâm thương mại này cũng vắng vẻ hơn những ngày trước. Đặc biệt, tại tầng 2 khu mua sắm các loại đồ đạc lượng người giảm hẳn. Một số lượng quầy thu ngân vắng khách nên đã phải tạm thời đóng. So với trước đây, khách phải đứng xếp hàng để thanh toán thì nay không còn.

Một nhân viên ở đây cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách đến đây giảm hơn trước đây nhiều. Bình thường vào những ngày Chủ nhật, lượng khách đến siêu thị chật cứng, thậm chí chen chúc nhau. “Đi làm vào những ngày cuối tuần luôn vất vả nhất. Ngược lại, những ngày này công việc cũng khá nhàn”, nhân viên này nói. 

Chị Trần Thu Thủy (28 tuổi, quận Thanh Xuân) chia sẻ, thứ ba tuần này, chị và một nhóm bạn 5 người có hẹn tổ chức sinh nhật cho một người bạn trong nhóm. Những năm trước, cả nhóm sẽ tụ tập tại một nhà hàng “ruột” ở quận Cầu Giấy để ăn uống, sau đó hát karaoke. “Năm nay, cả nhóm không dám tổ chức tiệc ở nhà hàng, đề phòng không may bị lây bệnh nên thứ ba cả nhóm sẽ về nhà mình vừa nấu ăn, vừa tổ chức sinh nhật luôn”, chị Thủy nói về kế hoạch của mình.

Cũng như chị Lương, nhóm chị Thủy, hiện nay nhiều người dân hạn chế ra ngoài để “trốn” dịch COVID-19, đồng thời tích cực tìm đến kênh mua sắm trực tuyến, thanh toán qua hình thức chuyển qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, sau đó nhận hàng ngay tại nhà.

Tận dụng cơ hội để tăng trưởng bền vững

Cũng trong bối cảnh dịch COVID bùng phát, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã đưa ra các giải pháp rút ngắn thời gian giao hàng, hoặc xa hơn, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sự tiện lợi và an toàn của người nhận.

Nổi bật trong đó là dịch vụ điểm lấy hàng tự động qua tủ khóa thông minh (Smart locker) của Lazada Việt Nam. Đây có thể coi là giải pháp “giao hàng không tiếp xúc” giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus.

Theo đó, khi mua hàng trên Lazada, người nhận có thể lựa chọn phương thức độc đáo này và nhấn chọn điểm nhận hàng gần nhất được Lazada đề xuất. Khi hàng về “tủ”, sàn này sẽ gửi thông báo kèm mã OTP đến số điện thoại người dùng đã đăng ký. Người mua hàng mở khóa tủ bằng mã OTP và 4 số cuối điện thoại để lấy hàng mà không cần phải trực tiếp gặp gỡ người giao hàng. Mô hình này đang được triển khai trên 20 địa điểm tại Hà Nội và TPHCM.

Theo đại diện của Lazada, việc nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam. Bởi vậy, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này là mang đến trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng. “Chúng tôi đã chủ động làm việc với các thương hiệu, nhà bán hàng trong nước và quốc tế để mở rộng nguồn cung, đa dạng hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu mua sắm của khách hàng”, đại diện Lazada Việt Nam cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương nhìn nhận, trong lúc dịch COVID-19 bùng phát, kinh doanh trực tuyến rõ ràng có phần thách thức hơn phương thức truyền thống vì những giao dịch trên không gian mạng, do đó thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh nhằm tạo lòng tin với khách hàng là điều doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.

“Vấn đề cốt lõi vẫn là doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, chuyển tải thông tin hàng hóa kỹ lưỡng và bài bản tới khách hàng đi kèm dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp”, ông Hiếu nói.

Trong lúc đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương nhìn nhận, thời điểm này là cơ hội để thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng. Bà Phương cho rằng, kinh doanh trực tuyến là hướng đi được thành phố và ngành Công Thương rất quan tâm phát triển.

“Hiện thương mại điện tử đang chiếm 8% trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa lĩnh vực bán lẻ. Năm 2020, dự kiến tăng trưởng bán lẻ trực tuyến của Hà Nội đạt khoảng 30% và chiếm khoảng 9%-10% trong tổng mức bán lẻ”, bà Phương nhận định.

NewsFrom