Tin tức triển lãm

2020-04-01

Điện mặt trời áp mái chững lại vì chờ giá mới

ĐMTAM phát triển chững lại là do người dân vẫn đang chờ ban hành giá ĐMT mới kể từ sau thời điểm 30.6.2019. Ảnh minh họa

Mới đây, báo cáo của Tập đoàn điện lực (EVN) cho thấy, đến giữa tháng 3.2020, trên toàn quốc đã có tổng cộng hơn 24.600 dự án điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) đã được lắp đặt vận hành với tổng công suất là 479,2 MWp. Một trong những nguyên nhân làm ĐMTAM phát triển chững lại là do người dân vẫn đang chờ ban hành giá ĐMT mới kể từ sau thời điểm 30.6.2019.

 

Nhà đầu tư sốt ruột chờ giá

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 30.6.2019. Sau gần 2 năm ngành điện mặt trời bùng nổ cho đến nay mô hình này đang chững lại khi chưa có giá mua điện mới.

Ông Nam, một hộ gia đình tại Hoàng Mai (TP.Hà Nội) cho biết, gia đình ông đầu tư khoảng 100 triệu đồng lắp đặt thiết bị điện mặt trời trên mái nhà, công suất 5 kWp từ cuối năm ngoái để “đón đầu” mùa hè 2020. Nhưng do lắp đặt sau ngày 30.6.2019, nên chỉ số điện vẫn đang được công ty điện lực ghi nhận, chờ khi có giá điện mới sẽ thanh toán sau. Điều khiến ông lo lắng là chưa biết giá mua điện mặt trời áp mái tới đây sẽ thế nào.

Theo anh Hà Văn Long (ở An Thượng, Hoài Đức), gia đình anh cũng đang chờ giá điện. “Để tiết kiệm tiền điện, gia đình tôi đã có kế hoạch lắp điện mặt trời áp mái từ tháng 9 năm ngoái, nhưng cũng như nhiều nhà đầu tư khác, cá nhân tôi chưa dám rót vốn vì còn băn khoăn giá mua điện mặt trời sẽ thay đổi”, anh Long nói.

Trong khi đó, gia đình nhà bà Lê Thị Tuyết (Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa - Hà Nội) là một trong những người tiên phong trong việc lắp đặt ĐMTAM ở Hà Nội. Theo bà Tuyết, gia đình đầu tư gần 200 triệu đồng và hiện nay đang được đấu nối thẳng với hệ thống chuyển đổi gọn nhẹ, vừa biến năng lượng mặt trời thành năng lượng điện sử dụng trong gia đình, lại vừa có thể đưa năng lượng dư thừa lên điện lưới quốc gia để bán lại cho ngành điện.

“Trong 4 tháng, ngoài lượng điện sử dụng, tôi còn bán được cho ngành điện 1.832 KWh. Tuy nhiên, sản lượng này tôi chưa được nhận tiền mà chỉ mới có ghi nhận con số từ ngành điện. Mong muốn của tôi cũng như các nhà đầu tư là các cấp có thẩm quyền sớm chốt giá để trả tiền mà lượng điện dư thừa của gia đình bán ra. Đây là số tiền không lớn nhưng cho thấy những điểm tốt, lợi ích của khách hàng”, bà Tuyết chia sẻ thêm.

Tại dự thảo giá mua điện mặt trời đưa ra hồi đầu tháng 1.2020, Bộ Công Thương đề xuất giá mua điện (FIT) với điện mặt trời áp mái giảm về 8,38 cent (1.940 đồng) một kWh, thấp hơn 0,97 cent so với cơ chế áp dụng theo Quyết định 11 trước đây (9,35 cent).

Kỳ vọng để bùng nổ

Theo tìm hiểu, mô hình ĐMTAM được đánh giá là sẽ phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, từ các hộ gia đình nhỏ (có diện tích mái nhà trên 12m2) đến các nhà máy, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp có diện tích mái lớn và tiêu thụ nhiều điện năng. Nhờ quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên ĐMTAM thường được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải. Hệ thống này cũng được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân.

Cũng như gia đình nhà bà Tuyết, anh Trần Vỹ (phường Thanh Nhàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, sử dụng pin năng lượng mặt trời giúp gia đình giảm đáng kể chi phí tiền điện sinh hoạt. Vào mùa đông, gia đình tiết kiệm được gần 1.000.000 đồng/tháng, còn mùa hè có thể tiết kiệm được gần 2.000.000 đồng/tháng tiền điện”.

Báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam cho thấy, đến giữa tháng 3.2020, trên toàn quốc đã có tổng cộng hơn 24.600 dự án điện ĐMTAM đã được lắp đặt vận hành với tổng công suất là 479,2 MWp.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phát triển ĐMTAM sẽ giúp giải toả phần nào cung ứng điện căng thẳng tới đây. Tuy nhiên, hiện nay chưa có giá mới mua điện nên người dân vẫn đang trông chờ. Chính vì thế, điều ông cũng như nhiều nhà đầu tư ĐMTAM, khách hàng lắp đặt loại năng lượng này mong muốn lúc này là “cấp có thẩm quyền sớm chốt chính sách giá ổn định để nhà đầu tư yên tâm phát triển, đầu tư”. Ngoài ra, vấn đề về truyền tải cũng cần sớm có phương án để giải quyết.

Bà Tô Lan Phương - Trưởng Ban kinh doanh - Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội cho biết, lắp đặt hệ thống điện MTAM sẽ giảm sự lệ thuộc vào hệ thống năng lượng hiện phổ thông như lưới điện quốc gia đồng thời góp phần giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ gây sự cố gián đoạn cung cấp điện.

Gần 10 tháng chờ đợi đã trôi qua, các nhà đầu tư ĐMTAM vẫn không ngừng hỏi nhau “bao giờ sẽ có giá mua mới?”

NewsFrom