Vận hành mạng lưới viễn thông trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: TRẦN THỌ
Diễn biến thực tế và con số báo cáo từ các đơn vị cho thấy, nhiều lĩnh vực ngành nghề vẫn đang duy trì được mức tăng trưởng tích cực bất chấp tác động xấu của dịch bệnh COVID-19. Tìm cách thích ứng với bối cảnh dịch bệnh là cách thức mà nhiều doanh nghiệp đang triển khai nhằm có thể duy trì được hiệu quả sản xuất hiện tại để có thể bật dậy mạnh hơn khi dịch bệnh qua đi.
Nhiều ngành vẫn tăng trưởng mạnh
Dữ liệu của Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) dẫn báo cáo của TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, đang có 9 ngành kinh tế chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại “lớn” và 6 ngành chịu tác động ở mức độ “vừa phải”. Trong số này, lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm sản giảm 4,5%, thủy sản giảm 11,2% trong quý I/2020 so với cùng kỳ.
Đáng chú ý ở lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, chỉ số sản xuất toàn ngành cũng chỉ tăng 7,1% trong quý I/2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% cùng kỳ 2019; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các ngành chịu tác động tiêu cực khá mạnh là dệt may, da giày với kim ngạch xuất khẩu giảm trên 10% so với cùng kỳ; sản xuất, kinh doanh thép với doanh thu giảm khoảng 10% và khai khoáng cũng gặp khó khăn lớn chủ yếu do giá dầu giảm mạnh, với kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 8%.
Tuy nhiên theo nhiều đánh giá, nếu dựa theo tình hình thực tế và báo cáo cụ thể của các đơn vị, hiện vẫn có nhiều ngành nghề đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao bất chấp tác động tiêu cực của dịch COVID-19 ngày càng lan rộng ra nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Thực tế này cho thấy nhiều ngành được coi là “miễn dịch” với COVID-19, thậm chí có thể phát triển mạnh hơn trong thời gian tới như công nghệ - viễn thông, bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu, sản xuất - cung ứng phân bón, sản xuất vật tư y tế - dược phẩm, kinh doanh điện - nước hay lĩnh vực dịch vụ giao hàng có tiềm năng phát triển mạnh do nhu cầu nhận hàng tại nhà của mọi người tăng cao.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, chỉ riêng trong quý I/2020, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn ngành ước đạt 49,28 tỉ kWh, tăng tới 6,47% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu viễn thông ước tính trong 3 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt tới 98,1 nghìn tỉ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật nhất là hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý I/2020 đạt mức tăng rất cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.
“Các công ty bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng các gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp” - Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong cơn bĩ cực vẫn tìm hướng phát triển
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại hiện cũng đang chịu áp lực rất lớn về sụt giảm lợi nhuận và nợ xấu tăng vọt do doanh nghiệp và rất nhiều đối tượng khách hàng gặp khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và nhu cầu vay vốn mới thấp. Theo đánh giá sơ bộ, tác động của dịch đối với dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là khoảng 2 triệu tỉ đồng, tức là 23% dư nợ hiện hữu của hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên dù phải chịu tác động kép do là ngành Kinh tế tổng hợp, các ngân hàng thương mại hiện đang điều chỉnh linh hoạt các phương án hoạt động, kinh doanh nhằm vừa ngăn chặn ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh và vẫn có thể chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, ngoài việc cho vay hỗ trợ lãi suất với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỉ đồng, đến cuối tháng 3.2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đã đạt được mức tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực và theo đó trong năm nay ngành Ngân hàng vẫn có thể đảm bảo đạt mức tăng trưởng tín dụng 11-14%, tương ứng cung ứng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỉ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn dẫn chứng, những khó khăn của ngành Gỗ là hiện hữu khi tại thời điểm này chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, còn lại trên 90% doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động, tạo ra sự đứt gãy toàn chuỗi, nhưng đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp phải năng động.
Thực tế dù khó khăn rất lớn, cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức nỗ lực, cố gắng duy trì phần nào hoạt động sản xuất kinh doanh, để giảm thiểu tác động của dịch tới hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Định (BIFA) - nhận xét: “Trong bối cảnh này, doanh nghiệp chỉ có 2 sự lựa chọn. Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ càng các bước tiếp theo để khi nào bệnh dịch qua đi thì doanh nghiệp có thể tăng tốc trở lại vị trí trước dịch. Hai là đóng cửa và phá sản. Cho nên, doanh nghiệp nào cũng phải cố gắng tìm mọi cách để tồn tại”.
Hiện trong cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị để quay trở lại sau dịch: Một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online.
Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) hiện nay đã thành lập nhóm trên Zalo, Viber và Facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu.
Một số cơ sở sản xuất chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng thay thế các mặt hàng trước đó được nhập khẩu tại thị trường nội địa. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Một số cơ sở sản xuất, bao gồm các hộ tại các làng nghề, nắm bắt cơ hội thị trường này, thực hiện chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm của mình, nhằm sản xuất ra các sản phẩm lấp chỗ trống thị trường trong nước. Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH Hoàng Phát hiện nay đang nghiên cứu về các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… trước đó Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp và một số hiệp hội cũng đang tích cực thực hiện các hoạt động chuẩn bị về nguyên, vật liệu, tổ chức sản xuất, sẵn sàng cho việc quay lại sản xuất kinh doanh ngay sau khi đại dịch COVID-19 chấm dứt.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) hiện đang tích cực tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến, nhằm thảo luận với các doanh nghiệp thành viên chuẩn bị để có thể quay trở lại sản xuất...
CopyRight 2011~2012 © All Rights Reserved